Phòng, chống tội phạm và phòng chống mua bán người năm 2025

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, mua bán người nói riêng có những diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Các đối tượng lợi dụng các dòng dịch chuyển người di cư, chuỗi cung ứng toàn cầu, các lỗ hổng pháp lý và kinh tế cũng như các nền tảng kỹ thuật số để thực hiện mua bán người xuyên quốc gia trên quy mô lớn. Trong quý I năm 2025, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 59 vụ án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, 186 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người và 244 nạn nhân. Số nạn nhân là nữ giới chiếm gần 65%; nạn nhân dưới 16 tuổi chiếm 45%, trên 18 tuổi chiếm 41%; nạn nhân là trẻ sơ sinh chiếm 24,5%. Tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội. Trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Đối tượng của tội phạm mua bán người có thể là người lạ, bạn bè hoặc người quen, thậm chí cả người thân. Thủ đoạn hoạt động của bọn chúng thường là: Hứa hẹn giới thiệu việc nhẹ, lương cao. Núp dưới hình thức đi du lịch, xuất khẩu lao động, du học theo các tổ chức lừa đảo ở trong nước hoặc nước ngoài. Hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ lầm lỡ hoặc có hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới, lừa bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn giúp đỡ về tiền bạc rồi đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc vào chúng; làm quen với những phụ nữ có con nhỏ, lợi dụng họ sơ hở để chiếm đoạt con và dùng giấy tờ giả mạo để đem bán.

Hậu quả với nạn nhân: Bị bóc lột sức lao động, làm những công việc nặng nhọc, quá sức; bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn; bị thương tích, tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong; bị cưỡng bức, bóc lột tình dục…; có nguy cơ bị mắc các bệnh lây truyền tình dục, HIV/AIDS, bị tước mất quyền công dân và quyền con người; tinh thần suy sụp, lo âu, sợ hãi; mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống; khó hòa nhập với cuộc sống và cộng đồng; dễ sa vào các tệ nạn xã hội hoặc trở thành kẻ buôn bán người.

Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm của tội phạm mua bán người, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đồng thời, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng đã đề ra nhiều chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Cụ thể như: Luật Phòng, chống mua bán người số 53/2024/QH15; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016); Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021); cùng với các kế hoạch triển khai của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ.

Để thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có nội dung mua bán người; tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Luật Phòng, chống mua bán người 2024 gồm 08 chương, 63 điều (tăng 05 điều so với Luật số 66/2011/QH12 cũ) trong đó có một số nội dung mới như:

- Mở rộng đối tượng bảo vệ gồm: nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng, người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân (Điều 34);

- Mở rộng chính sách hỗ trợ cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng như: trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp luật, hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên nếu nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế (Điều 37);

Quy định hành vi nghiêm cấm mạnh hơn, bao gồm cả nghiêm cấm hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” và nhiều hành vi khác nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa và xử lý hiệu quả các hành vi liên quan đến mua bán người (khoản 2 Điều 3)...

Để phòng, chống tệ nạn tệ nạn buôn bán người, mỗi người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hãy cảnh giác với những người không quen biết, không được tự ý bỏ theo người khác mà không báo cho gia đình, cần cân nhắc và thảo luận với cha mẹ, người thân trước khi đi tìm việc, cần được biết địa chỉ, số điện thoại nơi mình đến và phải có cam kết lao động được chính quyền tại địa phương công nhận.

Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vi tương lai tốt đẹp của toàn xã hội./.

Thực hiện: Lan Lê

Xã Gia Lộc
QR Code
image advertisement
image advertisement
Tin mới
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0